GIỚI THIỆU SÁCH BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

TÔI RẤT TỰ HÀO "VỀ LÀM GIÀO Ở TRƯỜNG SA"





“Nó không phải là “đứa con tinh thần” của những nhà báo học hành bài bản. Nó được ra đời từ 2 ông thợ và 1 ông công nhân (Tôi, Hưng Phúc, Hữu Tường)”. “Sự thật” thú vị ấy đã được Nhà báo Chung Hưng, Phó Trưởng phòng Thời sự, Đài Phát thanh Truyền hình Bình Thuận, tại cuộc trò chuyện với báo Nhà báo và Công luận xung quanh tác phẩm “Làm giàu ở Trường Sa”. Tác phẩm mà anh, cùng nhóm tác giả Hưng Phúc, Hữu Tường, Quang Vinh thực hiện và vừa đạt giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII, năm 2012.

Nhà báo Chung Hưng trong chuyến tác nghiệp thực hiện tác phẩm “Làm giàu ở Trường Sa”.

Không phải là sự thách thức mà là điều cuốn hút

+ “Làm giàu ở Trường Sa”, tác phẩm báo hình duy nhất đạt Giải A Giải báo chí quốc gia lần thứ VII vừa qua. Là đạo diễn và trực tiếp thực hiện, theo anh, điều gì đã mang lại thành công cho “làm giàu ở Trường Sa”?

Tôi nghe nói, một trong những điểm sáng chinh phục Hội đồng giám khảo là chữ “ở” của cái tít. Đây là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với tôi, bởi những gì tôi muốn gửi gắm trong tác phẩm, tựu trung cũng chỉ gói gọn trong chữ đó. Khi tác phẩm được trình chiếu trên sóng VTV, người thân của ông Sáu Nan ở nước ngoài điện về, bày tỏ niềm tự hào khi anh em ông được đài TW “tôn vinh”. Thêm một niềm xúc động khó tả nữa đối với tôi về tác phẩm này. Một lần gặp một doanh nhân trẻ - từng du học nước ngoài - anh nói, tình cờ xem tác phẩm trên truyền hình Bình Thuận, đến đoạn cuối, hình ảnh mũi tàu rẽ sóng, câu hát vang lên “tôi yêu quê hương, yêu đảo nhỏ xa xôi…”, em nổi da gà. Và tôi đến giờ này, khi xem lại tác phẩm đến đoạn cuối, vẫn … nổi da gà…

+ Anh từng chia sẻ rằng: “Dù chưa đi lần nào, nhưng biển đối với tôi là một điều gì đó vừa lôi cuốn vừa máu thịt”… Phải chăng vì sự “vừa lôi cuốn vừa máu thịt” ấy mà “Làm giàu ở Trường Sa” ra đời?

Điều đó hoàn toàn đúng. Trước khi thực hiện “Làm giàu ở Trường Sa”, tôi làm nhiều tác phẩm về lĩnh vực ngư nghiệp, ngư dân nhưng chưa một lần đi biển. Một trong những niềm tự hào của Bình Thuận là biển. Còn tôi – Bình Thuận là quê ngoại. Phần lớn tuổi thơ tôi sống ở miền quê ngoại. Tuổi thơ ông ngoại tôi cũng trải dài những năm tháng ở quê ngoại ông ấy. Ở đó, ông thấm đẫm những câu chuyện về biển quê hương khi mà cụ ngoại tôi dẫn đầu một đoàn thuyền nan rong ruổi ngược xuôi vào tận miền Tây buôn bán. Tự bao giờ, những câu chuyện không có hồi kết về biển ngấm sâu máu thịt tôi. Thế nhưng vào đời, tôi lại không chọn vùng đất này cho đến khi thất bại quay về… Bình Thuận cưu mang tôi và tôi nặng ơn điều đó. Tôi thực hiện “Làm giàu ở Trường Sa” bằng tất cả tình cảm của mình đối với miền biển quê ngoại.

+ Xem phóng sự, tôi thấy ekip thực hiện phải cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với ngư dân trên chính những con tàu đánh bắt xa bờ của họ. Ròng rã những ngày dài giữa trùng dương với những người làm báo, hẳn là nhiều thách thức?

Với tôi, thực hiện phóng sự giữa đại dương không phải là sự thách thức mà là điều cuốn hút. Trong cuộc sống cũng như trong công việc, tôi thích sự trải nghiệm những điều mới mẻ nếu điều kiện cho phép. Đi biển cùng ngư dân là một khoảnh khắc tuyệt vời của cuộc đời tôi – Tuyệt vời không thua kém gì giây phút đăng quang giải báo chí quốc gia.

Chẳng nên lấy kết quả giải thưởng ở một cuộc thi mà đánh giá khả năng

+ Có ý kiến cho rằng: Tác phẩm “ Làm giàu ở Trường Sa”… “rất lành”, là thể loại “gương người tốt việc tốt”, chả mấy gai góc so với những tác phẩm mang tính điều tra, phản biện, chống tiêu cực, chống tham nhũng… Anh nghĩ sao về điều này?

Chị biết không? “Làm giàu ở Trường Sa” chỉ được hội đồng xét tác phẩm chất lượng cao ở tỉnh Bình Thuận đánh giá đứng sau một tác phẩm khác. Nó không phải là “đứa con tinh thần” của những nhà báo học hành bài bản. Nó được ra đời từ 2 ông thợ và 1 ông công nhân (Tôi, Hưng Phúc, Hữu Tường). Và vì vậy cho phép tôi không bàn về khoa giáo. Tôi nhớ trong một cuộc thi của chương trình “Việt Nam’s Got Talent”, nhạc sĩ Huy Tuấn nói đại khái thế này, ông không quan trọng thí sinh hát như thế nào? có đúng kỹ thuật? mà điều quan trọng là có mang lại cảm xúc cho người nghe không. Làm nghề, tôi rất tâm đắc quan điểm đó. Tất nhiên không thể lấy kết quả giải thưởng ở một cuộc thi mà đánh giá khả năng. Tuy nhiên tôi chỉ muốn nói, dù tác phẩm thuộc thể loại gì, nó vẫn có giá trị riêng của nó. Tôi cũng từng nghe nhiều người nói rằng, làm tác phẩm về vấn đề chống tiêu cực dễ “ăn” giải hơn. Có thể có sự so sánh “gương người tốt việc tốt” của chúng tôi với các tác phẩm mang tính phản biện hùng hồn, hay chống tiêu cực với tính chiến đấu ngất trời. Nhưng sao không thử hỏi “tại sao một tác phẩm “lành” như thế lại được đánh giá cao nhất tại một cuộc thi danh giá nhất của quốc gia?” Tôi rất tự hào về “Làm giàu ở Trường Sa”.

+ Trong vô vàn những lời chúc mừng, khen tặng dành cho “Làm giàu ở Trường Sa”, anh ấn tượng nhất với lời khen nào?

Khi ra Hà Nội nhận giải thưởng, tình cờ gặp một thành viên Hội đồng sơ khảo, một người làm nghề - một nhà quản lí cơ quan báo chí có uy tín, anh vỗ vai tôi: “Cậu không nói đến chủ trương khai thác xa bờ nhưng nếu xem tác phẩm, Chính phủ phải xem lại các chính sách khuyến khích xa bờ. Cậu không hề đề cập đến bảo vệ chủ quyền biển đảo nhưng con người và việc làm trong câu chuyện của cậu chính là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo”. Làm nghề, tôi luôn bên mình lời dạy của Bác: Viết cho ai? Viết để làm gì? Và mới đây, tại lễ trao giải báo chí quốc gia, tôi cũng tâm đắc lời nhắn nhủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: viết làm sao có lợi cho quốc gia, có lợi cho dân tộc…Đó mới là điều cực kỳ quan trọng.

+ Vâng, xin cảm ơn anh!
Hà Vân




Theo Nhà báo và công luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VĂN BẢN PHÁP QUY