GIỚI THIỆU SÁCH BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

CẤP ĐI ĐÔI VỚI QUẢN.



Đến nay bình quân mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn  tỉnh được cấp 1 ha đất canh tác (14.861 ha/14.729 hộ). Đây là một cố gắng lớn của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển dân sinh, kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua. Tuy nhiên so với yêu cầu phát triển sản xuất của đồng bào và so với kế hoạch đã đề ra thì chưa đạt yêu cầu.
Để tiếp tục thực hiện chủ trương cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay các địa phương đang tập trung rà soát quỹ đất, lập thủ tục đưa vào khai hoang trên 724 ha để cấp cho 900 hộ còn thiếu đất sản xuất. Cụ thể như huyện Hàm Thuận Nam đang làm thủ tục khai hoang 93,18 ha để cấp cho 98 hộ xã Mỹ Thạnh. Huyện Hàm Thuận Bắc hoàn thành việc khảo sát 137,6 ha thuộc khu vực dự án Khoa Minh để cấp cho 214 hộ xã La Dạ; 59,6 ha khu vực Đèo 7 để cấp cho 91 hộ xã Đông Giang; 68 ha khu vực Đan Sách để cấp cho 88 hộ xã Đông Tiến. Huyện Bắc Bình hoàn thành hồ sơ thiết kế khai hoang 55,6 ha để cấp cho 56 hộ xã Phan Tiến và chuẩn bị khai hoang 35,6 ha để cấp cho 36 hộ xã Phan Điền. Huyện Tánh Linh đã xây dựng phương án và hoàn thiện hồ sơ để cấp 20 ha cho 25 hộ thôn Bàu Chim (Đức Thuận)…
Yêu cầu đặt ra là tiếp tục cấp đất cho đồng bào nhưng mặt khác cần phải tăng cường quản lý, sử dụng đất có hiệu quả. Thực tế trong thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm, tranh chấp, chuyển nhượng đất được cấp, gây nên tình hình khá phức tạp ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể như huyện Tánh Linh có 152 hộ tự ý sang nhượng 157 ha; huyện Bắc Bình có 18 hộ tự ý sang nhượng 17,5 ha; huyện Hàm Tân có 3 vụ tranh chấp lấn chiếm đất trái phép; huyện Hàm Thuận Nam có 114 hộ lấn chiếm trái phép 163,9 ha; huyện Tuy phong có một vụ tranh chấp 0,7 ha đất…
Mặc dù cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có cố gắng giải quyết được nhiều vụ việc, nhưng vẫn còn tồn đọng một số vụ chuyển nhượng và lấn chiếm đất trái phép đòi hỏi phải tiếp tục có biện pháp kiên quyết hơn để giải quyết dứt điểm. Mặt khác, các địa phương cần phải xác định được quỹ đất để lập hồ sơ thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, tận thu lâm sản… để tạo quỹ đất sản xuất cấp cho số đồng bào dân tộc còn thiếu đất sản xuất. Từ tình hình thực tế trong những năm qua và xuất phát từ tập quán, suy nghĩ và hoàn cảnh của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số không thể nói là thời gian tới sẽ không còn tình trạng lấn chiếm và chuyển nhượng đất trái phép. Do đó chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là đất cấp cho đồng bào dân tộc; kịp thời phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu, nếu để quá chậm sẽ rất khó khắc phục. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng, phát huy hiệu quả đất được cấp, hạn chế tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai. Đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ cấp giấy CNQSDĐ cho đồng bào. Đến nay vẫn còn gần 4/5 số hộ và 2/3 về diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận là quá chậm. Việc sớm hoàn thành cấp giấy CNQSDĐ cũng là nhân tố quan trọng góp phần quản lý và phát huy hiệu quả sử dụng đất sản xuất đã cấp cho đồng bào trong thời gian tới.
Hồng Lê


Theo Báo Bình Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VĂN BẢN PHÁP QUY